Ngày “nhập môn” nuôi 20, chết… 16
“Muốn nuôi, dạy được chó, đặc điểm đầu tiên của người nuôi là phải thực sự yêu chó. Nuôi chó để kinh doanh không đơn giản, dễ dàng như nuôi giữ nhà hay làm kiểng”, ông Tiến chia sẻ.
Năm 1999, nhà ông Tiến khi đó chưa nuôi chó, chỉ có mấy mẫu ao nuôi ba ba. Lúc đó ba ba được giá. Khu vực hẻo lánh nên trộm thường xuyên quấy rối, bắt ba ba gây thiệt hại. “Mấy anh công an trên quận bảo tôi nên nuôi vài con chó canh giữ, nhất là ban đêm. Tôi không thích chó “cỏ” (tức chó nhà) giống nhỏ con. Chó Tây càng không hợp vì là loại “chó nhà giàu” chỉ biết ăn ngủ. Tôi nhắm chó Phú Quốc là giống chó săn, rất tinh khôn, tai thính, trung thành. Khi trời mưa, chó Phú Quốc không ngủ, dạo khắp nơi, vừa đào hang bắt chuột bắt cá vừa giữ nhà rất tốt”.
Theo báo nước ngoài, Tháng 10/2015, Catherine Lane, một người phụ nữ 42 tuổi quốc tịch Anh bỗng chốc trở thành người nổi tiếng. Đó là vì, cô là người châu Âu đầu tiên sở hữu và nhân giống thành công những chú chó hiếm nhất thế giới – chính là chó Phú Quốc của Việt Nam.
Cụ thể, Lane đã lặn lội từ Anh sang Việt Nam, chọn cho được hai chú chó Phú Quốc đen mang về nước. Sau một thời gian chăm bẵm, cặp chó đã cho ra đời bốn chó con – ba cái, một đực, và chúng được đặt mua với mức giá lên tới… 10.000 bảng Anh/con (khoảng hơn 300 triệu VNĐ theo tỷ giá lúc bấy giờ).
Ông Tiến ra tận Phú Quốc, dạo khắp các đảo lớn nhỏ, tìm mua 10 cặp chó Phú Quốc với đủ loại màu lông. Lúc ông mua, mỗi chú chó đã được năm tháng tuổi, nặng 10kg, giá 300 ngàn đồng/con. Ý định của ông vừa nuôi giữ nhà, nếu có sinh sôi ra thì bán cho những ai có nhu cầu.
Tháng đầu tiên, 10 cặp chó sống khá tốt, sức khỏe và thể trạng bình thường. Ai ngờ vài tháng sau, 10 cặp chó lần lượt sốt huyết đường ruột chết gần hết. Không nản lòng, ông tiếp tục ra Phú Quốc tuyển chọn thêm 10 cặp khác. Mười cặp mua thêm cũng rơi vào số phận tương tự, chết chỉ còn bốn con nhưng sống dặt dẹo. Chán nản, ông gần như bỏ phế vì đầu tư nhiều công sức nhưng không đạt kết quả.
“Ngẫm nghĩ quan sát mãi, tôi nhận ra những chú chó đã chết là do cách cho ăn của người nuôi. Giống chó Phú Quốc hợp nuôi thả rông, nguồn thức ăn chủ yếu là tự tìm kiếm. Còn khi mình mang về Sài Gòn, chăm sóc tốt nhưng thức ăn lại quá nhiều và nhiều đạm, dầu mỡ khiến chó không thích nghi được dẫn đến đau bụng, sốt huyết đường ruột. Tôi bắt đầu dưỡng bốn con còn lại, thấy đúng là do thức ăn chứ không phải do thổ nhưỡng, khí hậu…”, ông chia sẻ.
Từ đó, ông Tiến đúc kết ra được kinh nghiệm chăm sóc chó Phú Quốc như sau: Khi mới mua về nuôi, sau 10 ngày mới được tắm. Tắm khi trời nắng và dùng khăn lau khô. Vì tắm liền khiến chó dễ bị cảm lạnh chuyển sang ho, viêm phổi do chưa thích nghi với nơi ở mới. Không nên cho chó ăn quá nhiều chất có dầu mỡ, cá biển, trứng lộn, sữa tươi trong 30 ngày đầu khi mang từ Phú Quốc về. Chỉ cho ăn cơm và thức ăn viên dành cho chó. 30 ngày sau thì cho ăn thoải mái. Do chó Phú Quốc chủ yếu sống trong môi trường có nhiệt độ cao nên cần phải giữ ấm cho chó khi nhiệt độ xuống dưới 20 độ C.
Ông Tiến có thâm niên hàng chục năm nuôi chó Phú Quốc |
Đưa chó Phú Quốc xuất ngoại
Đúc kết được kinh nghiệm sau hai lần thất bại, ông táo bạo mua 60 chú chó con về nuôi giống. Ban đầu ông nuôi chó chủ yếu giữ nhà, có thể nhượng lại cho khách đến mua ba ba. Tuy nhiên, tiếng lành đồn xa, từ truyền miệng, nhiều người yêu thích chó Phú Quốc tìm đến. Số tiền ông bán chó bù lại được với tiền đầu tư chuồng trại, thức ăn, mua giống, chăm sóc. Sau đó ông quyết định bỏ nghề nuôi ba ba, tập trung nuôi chó.
Ông Tiến bảo, nuôi chó Phú Quốc không dễ như nhiều người tưởng, nhất là nuôi chuyên nghiệp để kinh doanh. Bởi tập tính chó Phú Quốc là chó săn, dù đã được thuần phục nhưng bản tính hoang dã vẫn còn.
Chó Phú Quốc thuần chủng trên đảo Phú Quốc có bốn loại chính: Đen tuyền, vện hổ, vàng lửa, hay đốm với trọng lượng (trưởng thành) con đực 15 – 16 kg, con cái là 11 – 13 kg. Tuy nhiên, chó Phú Quốc khi nuôi ở Sài Gòn, giống thuần chủng nhưng có trọng lượng lớn hơn 5 – 6 kg.
Với khuôn viên vài mẫu đất, ông rào lưới B40 cao 2m xung quanh nuôi chó theo kiểu thả rông. Chó Phú Quốc không thể nuôi nhốt, nuôi kiểu công nghiệp. Nhốt lâu trong chuồng chó sẽ bị viêm khớp, chậm lớn, viêm da… Thả rông, chó tự do đi lại đào hang, đuổi bắt chuột, lội nước bắt cá mới khỏe mạnh.
Hiện trại của ông có hàng trăm con giống, trong đó 25 con đực, 110 con cái, 40 chó tơ được tuyển chọn để làm giống. Nuôi được 13 tháng là trưởng thành, bộ khung cố định, chó sẽ không lớn hơn nữa.
Con cái giống bắt đầu sinh con lúc tám tháng tuổi, còn con đực để phối được phải từ 12 tháng tuổi trở lên. Mỗi năm, một con cái cho hai lần sinh sản, mỗi lần sinh từ 5 – 11 con. Thời gian mang thai từ 58 – 62 ngày. Càng về già, con cái càng ít sinh sản và số con mỗi lần sinh cũng ít đi.
“Dù mang về Sài Gòn nhưng chó Phú Quốc vẫn giữ tập tính đào hang để sinh con. Việc này có thể khiến chó mất mạng nếu hang ngập nước hoặc bị sụp. Tôi phải canh chừng con cái lúc mang thai, gần tới ngày sinh mình phải bắt cnó sinh vào ổ”, ông chia sẻ.
Một chú chó đẹp với cơ bắp săn chắc, dáng thon cao, lông sát, tai đứng, đuôi cong hình móc câu… |
Con non nuôi 40 ngày phải tiêm ngừa các loại bệnh. Nuôi hai tháng bắt đầu bán ra ngoài cho khách nuôi. Ở trang trại ông Tiến, một chú chó con với màu lông vàng hoặc đen có giá hai triệu đồng, màu vện hổ 3 – 4 triệu đồng/con. Sở dĩ chó vện hổ có giá đắt hơn vì một đàn chó con, chỉ 30% là có màu lông này, còn lại 70% là màu khác. Trang trại mỗi năm bán ra thị trường từ 200 – 500 con giống. Điển hình năm 2016, ông bán được khoảng 500 con với doanh thu gần một tỷ đồng. Chó Phú Quốc ở trang trại ông Tiến không chỉ được bán khắp Việt Nam mà còn xuất ngoại ra nước ngoài như Mỹ, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Ông Tiến chia sẻ: “Nuôi chó để kinh doanh không dễ như nhiều người lầm tưởng, nhất là giống chó Phú Quốc bản tính còn hoang dã. Nhiều người, nghe tin nuôi chó Phú Quốc thu lợi cao nên đầu tư và nếm trái đắng. Muốn nuôi được chó trước hết phải yêu thương, quý mến chó. Thứ hai, phải tích lũy đủ kinh nghiệm, cách thức nuôi, chăm sóc và lựa chọn con giống giữ được cái gen thuần chủng của chó Phú Quốc”.
Đặc trưng của giống chó Phú Quốc là dải lông mọc ngược trên lưng (hay còn gọi là xoáy). Một chú chó Phú Quốc được đánh giá là đẹp phải có cơ bắp săn chắc, dáng thon cao, lông sát, tai đứng, đuôi cong hình móc câu và lưỡi có đốm đen…
Chó Phú Quốc là một trong ba dòng chó có xoáy lông trên lưng trên thế giới. Ngày 14/12/2008, Hiệp hội Chó giống quốc gia Việt Nam (VKC) đã chính thức đăng ký giống chó Phú Quốc với Hiệp hội Chó giống quốc tế và được thế giới công nhận.
Cách nhận biết một chú chó Phú Quốc trưởng thành là có đầu nhỏ, cổ dài, mỏm dài và chóp nhọn, tai dài, mỏng và có những chấm trên lưỡi. Chó Phú Quốc đào hang để đẻ và có biệt tài săn bắt, bơi dưới nước giỏi như rái cá nhờ chân có màng như chân vịt và bộ lông mượt sát (1 – 2 cm) rất ngắn, nhanh khô.
Chó Phú Quốc có chiều cao trung bình khoảng 55 cm, nặng khoảng 18 kg, tai dựng đứng, eo thon, màu lông thường thấy là vàng lửa (lông ở dải lưng mọc ngược sậm màu hơn).
Về màu sắc lông thì có mấy dạng sau: nhóm chó đen có màu đen tuyền, số khác ức hay chân đều vàng hoặc nâu; nhóm chó nâu đậm hay nhạt, đặc biệt nhóm này thường thể hiện sự hài hòa về màu sắc: nhóm chó vàng thay đổi trong dãy từ đậm đến nhạt, trên một cá thể chó vàng đôi khi cũng có sự pha màu vàng nhạt ở bụng và chân; nhóm chó vện – chiếm tỷ lệ thấp – có màu lông đặc biệt nhất; nhóm chó xám, chiếm tỷ lệ ít nhất. Nhóm khác gồm có chó trắng tuyền và chó lan trắng với những màu nền khác nhau như đen, nâu, vàng, xám.
Chúng có khả năng đi săn rất tốt. Những người thợ săn vào rừng mang theo một hoặc hai chú chó Phú Quốc làm bạn đồng hành, trong một đêm có thể mang về năm đến sáu, hoặc nhiều hơn con chồn hương, một loại động vật phổ biến ở Phú Quốc. Chó Phú Quốc có thể săn được thú lớn hơn chúng rất nhiều như nai, thậm chí là các loài thú hung tợn như lợn rừng và rắn độc. Nhiều con chó Phú Quốc đã liều mình cứu chủ thoát khỏi rắn độc cắn.
Chó Phú Quốc có thể lần theo dấu vết con mồi kể cả khi con mồi đã đi qua từ trước đó rất lâu. Và nếu săn hăng quá, chó Phú Quốc có thể bị lạc vài ngày sau mới tìm về.
Mỗi khi phát hiện ra con mồi thì chúng dồn con mồi đến đường cùng, đồng thời sủa lên để gọi chủ. Chúng không buông tha mồi cho đến khi chủ phát tín hiệu “ngưng”.